Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng
Mục tiêu của Hội thảo là đưa ra tổng quan về bức tranh sông ngòi và vấn đề quản lý hiện nay, nhằm tìm ra cơ chế theo dõi, giám sát và bảo vệ môi trường sông hợp lý. Đồng thời phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự về giám sát bảo vệ môi trường sông ngòi trên phạm vi cả nước.
Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu nước trầm trọng
Báo cáo 10 năm về kết quả nghiên cứu thực trạng sông ngòi ((2005-2015), bà Đào Thị Việt Nga, đại diện Mạng lưới sông ngòi cho biết: Việt Nam có hệ thống sông ngòi khá dầy đặc, nhưng phân bố không đồng đều, thưa thớt ở vùng khô hạn Ninh Thuận và Bình Thuận, dày đặc ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng và sông Thái Bình. Sông ngòi đã mang lại nhiều tiềm năng cho về nguồn nước, thủy sản, tiềm năng thủy điện, đa dạng sinh học, khả năng duy trì chu trình cân bằng nước tự nhiên, chống xâm nhập mặn…
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014: Nước sông cung cấp nước sinh hoạt cho 42 tỉnh thành trên cả nước, lượng nước sinh hoạt lấy từ sông khoảng 2 triệu m 3 ngày/đêm, chiếm khoảng 60% tổng lượng nước cấp đô thị hiện tại. Sông cũng là nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp, tưới tiêu (ước tính khoảng 8,8 tỷ m 3 /năm) và nuôi trồng thủy sản trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
Tham luận tại Hội thảo, bà Trần Thị Lệ Anh, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường-Tổng cục Môi trường nhấn mạnh: Với tốc độ phát triển kinh tế trong 2 thập kỷ qua, nguồn nước và chất lượng nước sông ngòi đang bị suy giảm nhanh chóng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều tra khảo sát tại 3 lưu vực sông Cầu, Sông Nhuệ Đáy, sông Đồng Nai, kết quả quan trắc cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm tại nhiều điểm trên các hệ thống sông này đã vượt quá quy chuẩn cho phép đối nước mặt rất nhiều lần. Năm 2010, theo ước tính hàng ngày các con sông phải tiếp nhận khoảng 1,1 triệu m 3 nước thải công nghiệp và sẽ tăng lên 2,4 triệu m 3 ngày/đêm vào năm 2020.
Bên cạnh đó, mực nước và chế độ thủy văn cũng có sự thay đổi bất thường về cả mùa mùa lũ và mùa khô. Hiện tượng sạt lở đất xảy ra ở nhiều nơi, mùa khô kéo dài… nguyên nhân một phần do thượng nguồn đã bị chặn xây thủy điện, và rừng đã bị chặt phá nhiều. Trong những năm gần đây tình trạng các con sông bị khai thác quá mức và trở nên suy thoái đã gây sức ép lớn tới vấn đề sinh kế và nguồn nước sạch của các cộng động sống ven sông. Đây là một thực tế đáng báo động hiện nay.
Sông ngòi có vai trò rất lớn trong việc phát triển, ổn định cuộc sống cho người dân và điều hòa khí hậu. Nếu các dòng sông hiện nay đang bị con người tàn phá như vậy thì cuộc sống của chúng ta trong tương lai gần sẽ phải với thách thức. Cụ thể, khoảng 30 triệu người dân đô thị đang trong tình trạng thiếu nước sạch. Việc đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đang bị ảnh hưởng do nước sông ô nhiễm. Với tốc độ suy thoái như hiện nay và trong những năm tới, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng.
Các đại biểu cũng được nghe và chia sẻ những nghiên cứu khoa học của các chuyên gia tiêu biểu như: “Sông Hồng qua Thủ đô nhìn từ khía cạnh bảo vệ và phát triển bền vững sông ngòi”; “Quản lý tài nguyên nước lưu vực sông Srepok trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk”; “Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên nước cho lưu vực sông Srepok trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk”…
Trước những thách thức hiện hữu đối sông ngòi ở Việt Nam hiện nay, các đại biểu tham dự Hội thảo đều thống nhất ý kiến cho rằng: Cần phải tăng cường vai trò và trách nhiệm của Ủy ban Bảo vệ môi trường quản lý môi trường lưu vực sông; phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành. Mặt khác nâng cao vai trò và quyền lực cho các cấp, kể cả vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ môi trường các sông ngòi. Đặc biệt là phải có nguồn ngân sách đặc thù cho lưu vực sông để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái của hệ thống sông ngòi của nước ta hiện nay.
Nguồn: Tin môi trường