Cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi
"Cỏ luôn xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi". Không ít người trong cuộc sống thường không hài lòng với những gì họ có trong hiện tại mà luôn tìm kiếm những thứ xa vời ở nơi khác, để rồi nhận ra hạnh phúc không nằm ở đâu xa xôi mà ngay dưới chân mình. Câu chuyện về vị thiền sư và người góa phụ sau đây sẽ giúp bạn thấm thía hơn chân lý này:
***
Một vị thiền sư đi ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì bị ốm nặng. Ông được một bà góa là chủ quán trà cứu và đưa về nhà chăm sóc.
Mặc dù không biết tung tích vị thiền sư, quán nghèo thưa thớt khách, không có tiền nhưng người phụ nữ vẫn tận tình chăm sóc và cứu chữa cho ông.
Hơn 3 tháng ròng vị thiền sư mới bình phục. Cảm động ân tình của bà chủ quán, vị thiền sư trước khi rời đi dành một tuần liền để đào một cái giếng cạnh quán cho bà góa tiện dùng nước, không phải ra tận suối gánh nữa.
Không ngờ, từ khi dùng nước giếng mà vị thiền sư đã đào để pha trà bán, trà của bà góa có mùi thơm thật đặc biệt và vị của trà cũng rất ngon. Ai uống một lần cũng phải quay lại. Tiếng lành đồn xa, quán trà của bà góa khách đến đông nườm nượp. Người đàn bà góa trở nên giàu có từ đó.
Ít lâu sau, vị thiền sư có dịp ghé qua quán để thăm lại ân nhân của mình, thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư rất mừng cho bà góa. Khi hỏi về giếng nước, bà góa than phiền với thiền sư: “Giếng nước này tốt lắm, có điều nước cạn liên tục, vài ngày mới lại đầy nên tôi chẳng bao giờ đủ để bán cho khách”. Vị thiền sư nghe xong lắc đầu, nói: “Không tốn kém gì cả, từ nguồn nước trời cho rồi kiếm ra nhiều tiền mà bà vẫn không thấy hài lòng ư?” .
Ông viết lên tường một câu:
“Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!”
… rồi lẳng lặng quay đi, không bao giờ quay trở lại quán nữa. Giếng nước từ ấy cũng cạn dần.
Lời bàn:
Chúng ta phần lớn giống như bà góa kia, không bao giờ hài lòng với cái mình có mà thường đứng núi này trông núi nọ. Chúng ta thường hay so sánh, hay mong ước viển vông mà quên vui hưởng hiện tại của mình. Hãy nhìn lại để thấy mình đã được may mắn hơn bao nhiêu người chẳng có gì, để biết vui sống, để bớt “lòng tham”, để không phải hối hận về sau.
“Biết đủ là đủ, cầu cho đủ thì bao giờ mới đủ?
Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?”
(Sưu tầm)